4 SỰ CỐ ĐIỆN THƯỜNG GẶP, NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH

Các sự cố điện luôn tiềm ẩn mối nguy hiểm khôn lường gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của Gia chủ. Vậy nên Hòa Phát khuyến nghị Gia chủ không tự xử lý sự cố điện tại nhà và nên liên hệ Thợ điện để được hỗ trợ.

Nội dung bài viết nội thất Hòa Phát xin tập trung vào 4 sự cố điện thường gặp ở hộ gia đình mà gia chủ nên biết để phòng tránh. Trong trường hợp sự cố điện phát sinh hỏa hoạn, Gia chủ cần tuân thủ quy trình xử lý sự cố hệ thống điện lần lượt: ngắt cầu giao điện (CB tổng) trước, sau đó tiến hành dập lửa và gọi điện cho lực lượng cứu hỏa 114.

Quá tải điện

Sự cố quá tải điện xảy ra khi lượng điện tiêu thụ lớn hơn lượng điện định mức của mạng điện. Chủ yếu do sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị điện trên mạch điện hoặc do lượng điện tiêu thụ trên các nhánh rẽ của mạch điện gây áp lực lớn lên mạch điện chính.

Sự cố điện quá tải rất dễ gây cháy nổ | Nguồn internet

Có thể hiểu nguyên nhân gây ra sự cố quá tải điện đến từ nhu cầu tăng đột ngột của Gia chủ và khả năng chịu tải kém của mạng điện.

Trong thực tế có 3 nguyên nhân thường thấy khiến mạng điện bị quá tải.

Nguyên nhân thường thấy

Do sử dụng cùng lúc quá nhiều thiết bị điện

Đây là nguyên nhân cơ bản và phổ biến nhất khi xảy ra sự cố điện quá tải. Nguồn điện ở CB tổng hoặc ở các ổ điện đều có quy định công suất tối đa. Thông thường ở các ổ điện là 3000W.

Nếu Gia chủ sử dụng cùng lúc quá nhiều thiết bị điện công suất lớn, hiện tượng quá tải có thể xảy ra ngay tại ổ điện. Ổ điện có thể tan chảy hoặc cháy trong quá trình sử dụng.

Sự cố quá tải điện rất dễ gây cháy nổ | Nguồn internet

Do CB chịu tải kém

Nếu hệ thống điện không có CB bảo vệ, đường dây điện sẽ nóng lên gây cháy nổ rất nguy hiểm. Nếu có CB, khi hiện tượng quá tải xảy ra, CB sẽ kích hoạt gây ngắt mạch bảo vệ mạch điện.

Tuy nhiên việc sử dụng CB vẫn có hạn chế. Nếu CB không đạt công suất tải, có thể hiểu là khả năng chịu tải thấp hơn công suất thường dùng của gia đình, CB sẽ tắt liên tục gây ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt chung và tuổi thọ của đồ dùng điện.

Do dây dẫn điện chịu tải kém

Khả năng chịu tải về công suất hay cường độ dòng điện của các thiết bị điện trong hệ thống còn được biểu thị thông qua tiết diện của dây dẫn điện. Nếu Gia chủ dùng dây dẫn điện có tiết diện nhỏ hơn so với nhu cầu sử dụng thì dây dẫn sẽ không đáp ứng được yêu cầu dẫn điện, dễ gây ra các sự cố điện trong tương lai.

Do dây dẫn điện chịu tải kém | Nguồn internet

Biểu hiện thường thấy khi mạng điện bị quá tải:

  • CB nhảy gây mất điện
  • Thiết bị điện không đủ điện sử dụng, đèn sáng mờ
  • Công tắc hoặc ổ điện có tiếng kêu
  • Công tác hoặc ổ điện có mùi khét
  • Dây điện nóng, lớp vỏ bọc bị mềm, chảy.

Biện pháp phòng tránh

Không sử dụng cùng một lúc nhiều thiết bị có công suất cao trong cả mạng điện hoặc ngay trên một ổ điện

Gia chủ nên dành thời gian để thực hiện 1 phép tính đơn giản dựa trên lời khuyên về việc hạn chế sử dụng quá 80% công suất điện thiết kế.

Với nguồn điện là ổ điện, Gia chủ có thể nhẩm tính công suất tiêu thụ nhỏ hơn 2400W hoặc đơn giản hạn chế cùng lúc sử dụng nhiều thiết bị điện trên cùng 1 ổ điện để phòng tránh.

Tổng công suất tiêu thụ trong căn nhà nên nhỏ hơn 80% Công suất tổng | Nguồn internet

Công thức: 

  • CÔNG SUẤT AN TOÀN = CƯỜNG ĐỘ DÒNG ĐIỆN x HIỆU ĐIỆN THẾ x 80%

Giả định: 

  • CB tổng trong tủ điện là 50A, điện dân dụng tại hộ gia đình là 220V thì:
  • CÔNG SUẤT AN TOÀN = 220V x 50A X 80% = 8.800W
  • Gia chủ tính tổng công suất điện tiêu thụ của toàn bộ căn nhà trong giờ cao điểm bao gồm tổng công suất tiêu thụ của quạt, đèn, bàn ủi và thiết bị nấu nướng như: sử dụng bếp điện, hút bụi, lò vi sóng,…
  • Nếu công suất tiêu thụ nhỏ hơn công suất an toàn, Gia chủ có thể yên tâm về mạng điện của gia đình.

Nên chia CB riêng cho các mạng điện khác nhau

Ngoài CB tổng nên chia thành nhiều CB cho mỗi mạng điện, các mạng này phục vụ cho những mục đích khác nhau theo công năng hoặc theo theo phòng. Ví dụ:

  • CB dành cho ổ cắm
  • CB dành cho chiếu sáng, đèn cầu thang
  • CB dành cho thiết bị có công suất lớn như máy lạnh, máy nước nóng.

Với cách này, Gia chủ có thể ngăn hiện tượng ngắt điện khi quá tải, tránh ảnh hưởng đến các thiết bị điện khác. Đồng thời, khi xảy ra các sự cố điện, Gia chủ và Thợ điện sẽ dễ xác định, kiểm tra, sửa chữa hơn.

Nên chia CB riêng cho các mạng điện khác nhau | Nguồn internet

Lựa chọn sợi dây dẫn điện có tiếp diện phù hợp với công suất sử dụng để tránh tình trạng quá tải

Nếu Gia chủ dùng dây dẫn điện có tiết diện nhỏ hơn so với nhu cầu sử dụng nhiều thiết bị điện thì dây dẫn sẽ không đáp ứng được yêu cầu dẫn điện. Lúc này, dây dẫn điện sẽ tạo ra nhiệt lượng cao có thể đốt lớp vỏ bảo vệ ở ngoài gây ra sự cố chập cháy, nổ điện.

Dây điện có tiết diện lớn hạn chế sự cố quá tải xảy ra trên đường dây | Nguồn internet

Đoản mạch điện

Đoản mạch (Chạm chập điện) là sự cố điện xảy ra khi dây điện vì một lý do nào đó hở và dính vào nhau. Dẫn đến dòng điện sẽ đi từ cực âm đến cực dương của nguồn điện mà không đi qua thiết bị điện, cường độ dòng điện sẽ tăng cao đột biến gây cháy nổ.

Sự cố đoản mạch có thể xảy ra bên trong ổ cắm, cốc sạc hoặc trong thiết bị điện | Nguồn internet

Sự cố điện bị đoản mạch rất nguy hiểm vì không chỉ làm cháy vỏ bọc cách điện mà còn cháy vật liệu khác gần nó do cường độ dòng điện quá lớn. Ngoài ra, nếu một phần của mạch điện bị đoản mạch có thể gây hỏng phần còn lại của mạch điện.

Nguyên nhân thường thấy

  • Do vỏ cách điện bị trầy, hư hỏng, cũ kỹ
  • Do đinh vít hoặc gặm nhấm làm hư vỏ cách điện
  • Do mối nối dây trong mạch không chặt
  • Do dây cắm hoặc lõi thiết bị sử dụng điện bị lỗi gây ảnh hưởng đến mạng điện
  • Do dây nóng tiếp xúc với hộp kim loại nối đất, dây đất, hoặc một phần nối đất của thiết bị
  • Do dây nóng tiếp xúc với dây nóng khác trong hệ thống điện 3 pha
  • Do sét đánh vào mạng điện gây quá tải

Dây điện bị hư hại gây đoản mạch | Nguồn internet

Chú ý: Sự cố đoản mạch hầu như đến từ nguyên nhân môi trường, thời gian, thời tiết hoặc can thiệp gây sai sót lên mạch điện. Không đến từ quá trình tiêu thụ, sử dụng điện của Gia chủ. Ngược lại với hiện tượng quá tải điện, chỉ khi Gia chủ sử dụng điện mới phát sinh vấn đề.

Điểm chung của cả 2 sự cố điện là gây nên sự quá tải trên mạch điện, làm hư hỏng, làm nóng cháy 1 phần của mạch điện, gây nguy cơ hỏa hoạn nếu không được phát hiện xử lý sớm.

Khi thời tiết mưa bão cực đoan Gia chủ nên tắt CB tổng để đề phòng sấm chớp | Nguồn internet

Biện pháp phòng tránh

Để ngăn ngừa sự cố điện bị đoản mạch, Gia chủ cần đảm bảo các vấn đề sau:

  • Lắp đặt hệ thống ngắt điện tự động như CB, RCCB, RCBO, Aptomat tại các vị trí nguồn điện hoặc trên các thiết bị sử dụng điện
  • Khi phát hiện sự cố đoản mạch: mùi khét hoặc vết cháy, tia lửa hoặc âm thanh phát ra từ ổ cắm, lập tức tắt hết các thiết bị điện, rút phích cắm khỏi ổ điện.
  • Hạn chế sử dụng các thiết bị điện trong thời tiết mưa bão, sấm chớp

Rò rỉ điện

Sự cố rò rỉ điện thường khó nhận biết và Gia chủ thường chỉ phát hiện ra khi hóa đơn tiền điện tăng cao hơn mức thường dùng. Sự cố điện bị rò rỉ là mối nguy tiềm ẩn đe dọa tính mạng của các thành viên trong gia đình, Gia chủ nên đặc biệt chú ý cẩn thận.

Nguyên nhân thường thấy

Có nhiều nguyên nhân gây ra sự cố rò rỉ điện, nhưng thường đến từ 3 nguyên nhân sau:

  1. Mạng điện trong nhà bị hở do dây dẫn bị hư hỏng, phá hoại.
  2. Do mối nối điện không kỹ gây thất thoát điện
  3. Do thiết bị điện bị hư hỏng, thường thấy là dây dẫn điện bị đứt gãy

Chú ý: là một số thiết bị điện ở chế độ chờ vẫn có tiêu thụ điện ở mức độ nhỏ, nếu có nhiều thiết bị đang ở chế độ chờ, lượng điện tiêu thụ có thể tăng, hoàn toàn không phải do rò rỉ điện.

Mối nối không đúng kỹ thuật có thể gây sự cố điện bị rò rỉ | Nguồn internet

2 Cách phát hiện sự cố rò rỉ điện

Cách 1: Sử dụng bút thử điện

Gia chủ có thể dùng bút thử điện tại vị trí hoặc thiết bị có nghi ngờ rò rỉ điện. Bút thử điện sẽ phát sáng khi có dòng điện bị rò rỉ qua ngoài.

Nếu không rõ nguyên nhân, Gia chủ cần ưu tiên sử dụng cách 2 trước, và xác nhận lại lần nữa bằng cách 1.

Cách 2: Tắt mở các CB và nhìn vào đồng hồ điện

Làm theo thứ tự các bước sau để khoanh vùng vị trí xảy ra sự cố rò rỉ điện.

  1. Tắt CB tổng, nếu đồng hồ điện quay, sự cố điện bị rò rỉ đang xảy ra giữa dây dẫn điện và tủ điện.
  2. Mở CB tổng, rút hết thiết bị điện và mở lần lượt CB từng phòng, từng tầng, từng mạng điện. Đồng hồ điện quay: Sự cố điện phát sinh ở dây dẫn âm tường hoặc mối nối bị hở trong mạng điện của khu vực đó.
  3. Mở hết các CB, tắt hết các thiết bị điện và cắm lần lượt từng thiết bị vào mạng điện. Nếu đồng hồ điện quay, rò rỉ điện xảy ra trong thiết bị hoặc dây dẫn vào thiết bị. Nguyên do có thể là thiết bị sử dụng lâu năm bị xuống cấp, hư hại do chuột cắn phá, dây dẫn bị đứt gãy. Gia chủ phải cẩn thận dùng bút điện để kiểm tra, liên hệ đơn vị bảo dưỡng hoặc tìm kiếm Thợ điện để hỗ trợ.

Cách phát hiện sự cố rò rỉ điện | Nguồn internet

Biện pháp phòng tránh

  • Hạn chế việc đấu nối tự ý mở rộng mạng điện
  • Ưu tiên lắp đặt mạng điện âm tường trong xây dựng và cải tạo nhà cửa
  • Mạch điện không âm tường cần lắp thêm thiết bị che chắn
  • Cẩn trọng với các thiết bị điện, dây điện cũ hoặc có dấu hiệu bị hư hại
  • Không để hiện tượng gấp gãy dây dẫn điện hoặc đồ nội thất tỳ đè lên dây điện
  • Ưu tiên dây dẫn điện hoặc đồ điện gia dụng có dây dẫn tiết diện tròn và vỏ bọc cao cấp

Điện bị mất mát

Điện bị mất mát là sự cố thiết bị điện không hoạt động, CB bình thường không ngắt mạch, dùng bút thử điện tại ổ điện vẫn đỏ do dòng điện vẫn được cung cấp.

Sự cố điện bị mất mát gây nguy hiểm vì mạng điện vẫn còn dòng điện | Nguồn internet

Nguyên nhân thường thấy

Nguyên nhân chính của sự cố điện bị mất mát là do trong mạng điện luôn có 1 dây trung tính gọi là dây mát, không có điện, không làm bút thử điện phát sáng, các dây còn lại là dây pha, có điện, làm bút thử điện phát sáng. Khi dây mát bị sự cố có dòng điện đi qua sẽ gây ra hiện tượng mất mát.

Đây là sự cố thường xảy ra ở nơi có điện áp không ổn định. Thiết bị điện trong mạng điện bị mất mát không thể hoạt động nhưng tất cả dây trong mạch đều có điện và khả năng truyền điện gây nguy hiểm đến con người.

Cách phát hiện sự cố điện mất mát

Thiết bị điện không hoạt động trong khi CB hoạt động bình thường, không ngắt mạch và bút thử điện sáng khi thử điện tại tất cả lỗ của ổ điện.

Gia chủ có thể tham khảo các cách sau để biết cách xác định vị trí mạch điện xảy ra sự cố điện mất mát.

  • Thử điện ở đầu vào CB tổng, 2 bút thử điện sáng, lỗi mất mát do đơn vị cung cấp điện, Gia chủ liên hệ Điện lực hoặc Chủ đầu tư
  • Thử điện ở đầu ra CB tổng, 2 bút thử điện sáng, CB tổng bị lỗi
  • Tương tự, Gia chủ có thể thử tại 2 đầu vào và ra của một phần mạng điện để xác định vị trí bị mất mát.

Nên chia CB riêng cho các mạng điện khác nhau | Nguồn internet

Không khuyến nghị tự xử lý tại nhà

Hòa Phát khuyến cáo Gia chủ không nên tự xử lý sự cố điện mất mát và nên liên hệ Điện lực báo sự cố điện hoặc Thợ điện đến kiểm tra. Việc xử lý cần có kiến thức về dây pha và dây trung tính để thay thế và đấu nối hợp lý, Gia chủ không nên tự thực hiện để tránh sai sót.

Kết luận

Các sự cố điện luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhưng lại rất khó phát hiện. Ngoài ra, các thao tác can thiệp, chỉnh sửa hệ thống điện cần người có hiểu biết nhất định và các công cụ phù hợp. Vì vậy, Gia chủ không nên tự xử lý sự cố điện hoặc tự ý mở rộng, đấu nối, chỉnh sửa hệ thống điện.

  • THÔNG TIN LIÊN LẠCHÒA PHÁT INTERIOR DESIGN

Hotline: 0902789360

Office: 1045 Hà Huy Giáp, phường Thạnh Lộc, Quận 12.

Website: noithat-hoaphat.vn

Fanpage: www.facebook.com/hoaphat.interior

.
.
.
.